Tiết lộ gây sốc về chiếc máy bay trong thảm kịch

Tiết lộ gây sốc về chiếc máy bay trong thảm kịch khiến 179 người thiệt mạng ở Hàn Quốc: Phải chạy 13 chuyến trong 48h

Trước khi vụ tai nạn thương tâm diễn ra, chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air đã phải bay với tần suất cao.

Báo Người đưa tin đăng tải bài viết “Tiết lộ gây sốc về chiếc máy bay trong thảm kịch khiến 179 người chết ở Hàn Quốc: Phải chạy 13 chuyến trong 48h” với nội dung:

Trước khi vụ tai nạn thương tâm diễn ra, chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air đã phải bay với tần suất cao. Những câu hỏi chưa lời giải trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc Tin nhắn cuối cùng, cuộc gọi khẩn cấp và tai nạn máy bay thảm khốc ở Hàn Quốc

Ngày 29/12, chiếc máy bay chở khách Boeing 737-800 mang số hiệu 7C-2216 của hãng Jeju Air đã trượt khỏi đường băng tại một sân bay ở Hàn Quốc, khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng.

Máy bay bị cho đã bị hỏng bộ đáp do va chạm với chim trời, dẫn đến việc tiếp đất lỗi. Theo truyền thông Hàn Quốc, chiếc Boeing gặp nạn được sản xuất vào năm 2009, tức có tuổi đời khoảng 15 năm.

Chiếc may bay của hãng Jeju Air gặp nạn vào hôm 29/12. Ảnh: Yonhap

Vụ việc khiến 179 trên 181 người có mặt trên chuyến bay tử nạn. Ảnh: Getty

Dữ liệu được công bố từ trang web theo dõi chuyến bay Flightradar khiến nhiều người ngỡ ngàng khi cho biết chiếc Boeing trên đã phải thực hiện 13 chuyến bay trong vòng 48 giờ trước vụ tai nạn. Chiếc máy bay được lên lịch đến Nagasaki (Nhật Bản) vào buổi sáng, Đài Bắc Trung Hoa vào buổi chiều, sau đó Bangkok (Thái Lan) vào buổi tối.

Trước những lo ngại về việc chiếc máy bay gặp nạn đã phải “chạy show” quá mức, Jeju Air đã lên tiếng giải thích. “Chiếc Boeing 737-800 có thể trải qua nhiều lần cất cánh và hạ cánh nhưng đó không phải những chuyến bay dài”, cơ quan này cho biết. “Chúng tôi hoàn toàn không vận hành chiếc máy bay một cách mạo hiểm. Chúng tôi đã tiến hành bảo dưỡng một cách tỉ mỉ mà không có bất kỳ sự cẩu thả nào”.

Mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn. Ảnh: News1

Jeju Air là hãng hàng không giá rẻ tại Hàn Quốc có tần suất bay ở mức cao. Theo số liệu của 6 hãng hàng không được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Jeju Air là đơn vị có quãng thời gian bay trung bình nhiều nhất. Trong quý 3, mỗi chiếc máy bay của hãng này phải bay trung bình 418 giờ, là hãng hàng không nội địa duy nhất của Hàn Quốc có con số giờ bay trung bình lớn hơn 400. Đây là mức tăng so với 394 giờ được ghi nhận vào cuối năm ngoái.

Hai hãng hàng không lớn là Korean Air và Asiana Airlines, chỉ có số giờ bay lần lượt là 355 giờ và 335 giờ. Air Busan có số giờ bay trung bình 340 giờ. Hãng LCC có thông số 386 giờ, Jin Air là 371 giờ.

Báo Nhịp sống thị trường cũng đưa tin “Tiết lộ gây \’sốc\’ từ nhân viên Jeju Air: Hãng bay giá rẻ tiết kiệm phí bảo trì nên bỏ qua quy tắc an toàn, động cơ liên tục trục trặc” với nội dung:

Máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air hôm 29/12 hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông rìa sân bay Muan, tỉnh Jeolla Nam của Hàn Quốc. 179 trong tổng số 181 người trên máy bay đã thiệt mạng.

Sau thảm kịch, nhiều bài đăng cảnh báo từ các nhân viên Jeju Air trước đây đã được cộng đồng mạng chú ý trở lại. Tất cả hé lộ rủi ro tiềm ẩn các vấn đề an toàn ngay trong nội bộ hãng.

Theo báo cáo của Munhwa Ilbo ngày 30/12, các bài đăng trên một trang mạng ẩn danh dành cho người lao động đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến an toàn hàng không tại Jeju Air. Một nhân viên giấu tên đã viết vào tháng 2/2024: “Đừng đi Jeju Air. Hiện tại, động cơ liên tục gặp trục trặc. Không biết máy bay sẽ rơi lúc nào. Cả bảo trì, vận hành lẫn tài chính đều đang hỗn loạn”.

Một người khác viết: “Hiện tại, các nhân viên đều có xu hướng chuyển sang hãng hàng không khác. Do tiết kiệm chi phí bảo trì, động cơ đã ngừng hoạt động 4 lần trên không chỉ trong 1 năm. Đây là loại sự cố nghiêm trọng hiếm gặp trong toàn bộ lịch sử hoạt động”.

Đằng sau bài đăng, một kỹ thuật viên bảo trì lên tiếng phàn nàn về điều kiện làm việc khắc nghiệt: “Chúng tôi đang làm việc trên những chiếc máy bay nguy hiểm. Kỹ thuật viên bảo trì phải làm việc 13–14 tiếng, có khi chỉ được nghỉ ăn khoảng 20 phút. Khối lượng công việc cao hơn hẳn so với các hãng khác”.

Những lời cảnh báo từ nội bộ Jeju Air, nhìn lại sau thảm kịch, là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hãng hàng không trong việc giám sát an toàn nghiêm ngặt. Theo Reuters, dữ liệu từ Bộ Giao thông cho thấy vụ tai nạn máy bay Jeju Air sáng 29/12 là thảm họa nghiêm trọng nhất liên quan đến một hãng hàng không Hàn Quốc trong vòng 3 thập niên.

Sau gần 20 năm phát triển, Jeju Air – định hướng phát triển thành hãng hàng không giá rẻ dành cho đại chúng và chủ yếu tập trung vào các chuyến bay nội địa ở Hàn Quốc – đã trở thành một trong những hãng hàng không lớn nhất xứ sở kim chi. Tính đến quý I/2024, tổng số nhân viên của Jeju Air là khoảng 3.000 người, tập trung khai thác chủ yếu tại sân bay quốc tế Gimpo, Incheon và Jeju.

Với trọng tâm giữ chi phí thấp, thường chỉ cung cấp một hạng ghế phổ thông với ít dịch vụ đi kèm, Jeju Air không ngừng mở rộng và phát triển khách hàng. Riêng năm 2023, hãng này đã vận chuyển 12,3 triệu hành khách cả trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi ngày có khoảng 217 chuyến bay với 62 chặng bay chính.

Được biết trước khi sự cố này xảy ra, Jeju Air là hãng bay chi phí thấp (LCC) được khách hàng ưa thích nhất Hàn Quốc nhiều năm liền. Theo Chỉ số hài lòng của khách hàng Quốc gia (NCSI) của Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, 2023 là năm thứ 5 mà Jeju Air đứng vị trí thứ nhất kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, việc tập trung duy trì chi phí hoạt động thấp nhất có thể vô hình chung khiến Jeju Air bỏ qua các quy tắc an toàn. Theo chia sẻ của các nhân viên giấu tên, hãng này tiết kiệm chi phí bảo trì nên rủi ro gặp sự cố về an toàn sẽ cao hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Giao thông cho biết máy bay Boeing 737-800 do Jeju Air khai thác được sản xuất vào năm 2009. Không có báo cáo về tình trạng bất thường khi máy bay rời sân bay Suvarnabhumi của Bangkok (Thái Lan), theo ông Kerati Kijmanawat, chủ tịch Công ty sân bay Thái Lan.

David Learmount, chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không ở Anh, nhận định cú va chạm cuối cùng giữa máy bay với bức tường gần đường băng là “thời khắc quyết định” trong thảm họa.

“Không có lý do chính đáng nào để bức tường xuất hiện ở đó. Tôi nghĩ xây dựng tường kiên cố tại vị trí này gần như có thể coi là hành vi phạm tội”, ông nêu quan điểm và cho rằng những người trên chuyến bay lẽ ra đã có nhiều cơ hội sống sót hơn, dù khi đó chiếc Boeing 737-800 không thể hạ được càng đáp và phải trượt bằng bụng với tốc độ cao.

Sau thảm họa, vô số các hành khách ban đầu có lịch bay với Jeju Air vội vàng hủy vé. Số lượng vé bị hủy lên tới khoảng 68.000 trong khoảng thời gian từ 12 giờ sáng ngày 29/12 đến 1 giờ chiều ngày 30/12 (giờ Hàn Quốc). Trong đó, khoảng 33.000 vé cho các chuyến bay nội địa Hàn Quốc và 34.000 vé cho các chuyến bay quốc tế.

Đây không phải lần đầu tiên Jeju Air gặp sự cố. Vào ngày 12/8/2007, chuyến bay 502 của hãng đã chệch khỏi đường băng tại Sân bay quốc tế Gimhae. May mắn, tất cả 74 hành khách và năm thành viên phi hành đoàn đều sống sót. Đến tháng 3/2022, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã dừng các chuyến bay của Jeju Air trong 27 ngày vì không tuân thủ giao thức an toàn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *